Ông Michael Burry, nhà sáng lập Scion Asset Management, nổi danh sau khi dự đoán đúng và kiếm được bộn tiền từ cú lao dốc của chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp trước cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Thương vụ này được chuyển thể thành bộ phim nổi tiếng “The Big Short” do ngôi sao Christian Bale thủ vai. Những phát biểu của ông Burry được đông đảo nhà đầu tư chú ý và theo dõi.
Gần đây, huyền thoại bán khống cảnh báo trên mạng xã hội rằng “hiệu ứng Bullwhip” diễn ra trong ngành bán lẻ có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đảo ngược các đợt tăng lãi suất và chính sách thắt chặt định lượng.
Ngày 27/6, Burry đã đăng tweet: “Sự thừa mứa nguồn cung tại các chuỗi bán lẻ hiện nay chính là hiện tượng Bullwhip. Tra Google nếu bạn không biết. Nên hiểu khái niệm này nếu muốn đầu tư dễ dàng hơn. Hiệu ứng Bullwhip gây ra tình trạng giảm phát –> giảm phát được thể hiện qua số liệu CPI vào cuối năm nay – Fed đổi ý về lãi suất và thắt chặt định lượng –> chu kỳ chính sách thay đổi”.
Bullwhip là hiện tượng trong chuỗi cung ứng, mô tả biến động nhỏ của nhu cầu ở cấp độ bán lẻ có thể gây ra biến động lớn tới nhu cầu ở cấp bán buôn, nhà phân phối, nhà sản xuất và nhà cung ứng vật liệu thô.
Hiệu ứng Bullwhip còn được gọi là hiệu ứng cái roi da hay hiệu ứng đuôi bò. Cách gọi này phỏng theo hình ảnh thực tế của chiếc roi da, chỉ một dao động nhỏ ở gốc cây roi sẽ kích hoạt dao động lớn hơn ở đầu chiếc roi.
Ông Burry cũng đính kèm đường link tới bài báo của CNN rằng các cửa hàng bán lẻ ở Mỹ đang cân nhắc trả tiền để khách hàng giữ lại sản phẩm họ muốn đổi trả.
Trong những tuần gần đây, một số chuỗi cửa hàng bán lẻ lớn nhất Mỹ bao gồm Target, Walmart, Gap và American Eagle Outfitters đã báo cáo rằng họ có quá nhiều hàng tồn kho của nhiều hàng hóa, từ áo khoác cho đến đồ chơi trẻ em. Chúng khiến doanh nghiệp tốn cả tấn tiền để cất trữ.
Vì vậy, thay vì chất hàng hóa bị trả lại vào đống hàng tồn kho đang ngày càng phình to, các cửa hàng đang cân nhắc việc trả lại tiền cho khách hàng và để khách giữ những thứ họ không muốn.
Gần đây ông Burry cũng nêu lên lo ngại về nền kinh tế Mỹ. Hồi tháng 5, ông có đăng một chuỗi tweet cảnh báo chứng khoán Mỹ sắp sập và các phiên phục hồi sẽ không thể kéo dài.
Thậm chí ông còn mô tả thị trường chứng khoán Mỹ năm 2022 giống như “máy bay rơi”. Nhà bán khống viết: “Giống như tôi từng nói về năm 2008, quan sát thị trường hiện nay giống như việc nhìn thấy máy bay rơi. Việc này rất đau đớn, không hề vui vẻ, và tôi không thấy buồn cười”.
Tuy nhiên dòng tweet này không còn trên Twitter.
Mới đây, trang Bloomberg cho biết Michael Burry đã tái xuất trên Twitter và đưa ra cảnh báo về một tổn thất có “quy mô quốc gia” khi tiền điện tử và các cổ phiếu meme sụp đổ.
“Tất cả những lời thổi phồng/đầu cơ đang được vẽ ra cho các nhà đầu tư cá nhân là nguồn cơn của mọi sự sụp đổ. Và khi tiền mã hoá giảm từ mức nghìn tỷ USD, cổ phiếu meme xuống dốc từ mức hàng chục tỷ USD, các nhà đầu tư phố Main sẽ gánh chịu thiệt hại có quy mô mang tầm quốc gia. Lịch sử không bao giờ thay đổi”, Burry viết trên Twitter.
Tuy nhiên, bài viết này được xoá ngay sau đó. Tờ Bloomberg cho biết ông Burry có thói quen xóa tweet đã viết.
Theo VNB
Đầu tư vào dự án blockchain, tiền mã hoá, chứng khoán...rất tiềm năng nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro cao, bạn chỉ nên đầu tư trong phạm vi tài chính cho phép của bạn. Chúng tôi khuyến nghị bạn hãy trang bị kiến thức, tìm hiểu thật kỹ và có tư vấn từ chuyên gia trong lãnh vực bạn có ý định đầu tư.
Để không bỏ lỡ thông tin mới trên Bitcoininus, vui lòng theo dõi kênh Telegram / FB hoặc đăng ký nhận e-mail.