Trong bối cảnh tiền mã hóa (cryptocurrency), đang thu hút rất nhiều sự chú ý trên thế giới, với hàng tỉ đô la được đầu tư phát triển, ông Ari Sarker, đồng chủ tịch của Mastercard tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương cho rằng bản thân ông cũng “không chắc chắn vấn đề tiền mã hóa đang cố gắng giải quyết cái gì”.
Nói chuyện với báo chí bên lề Hội chợ công nghệ tài chính Singapore (SFF) lần thứ 3 ngày 13.11, lãnh đạo của công ty công nghệ trong ngành thanh toán toàn cầu, hiện điều hành hệ thống xử lý các thanh toán nhanh hàng đầu thế giới nói: “Tiền mã hóa không phải là một ý tưởng tồi. Nhưng chúng tôi không chắc chắn về vấn đề mà tiền mã hóa đang cố gắng giải quyết là gì.”
Theo CoinSchedule, năm 2018 tiếp tục là năm thành công nếu xét về “gọi vốn” của các tổ chức phát triển các dự án blockchain và tiền mã hóa. Các đợt ICO năm 2017 được cho là đã gọi hơn 3,69 tỉ đô la Mỹ, và tính tới cuối tháng 7.2018, tổng số tiền gọi được là 17,25 tỉ đô la Mỹ.
“Hiện tại tiền mã hóa vẫn còn những tồn tại chưa được giải quyết. Có rất nhiều tiền, rất nhiều bộ não thông minh đang tìm cách biến tiền mã hóa thành đồng tiền chính thức,” ông Ari nói. Theo ông Ari đây là trường hợp đưa ra giải pháp rồi mới đi tìm vấn đề, và hãy chờ xem câu chuyện này sẽ dẫn đến đâu.
Lý giải quan điểm này trong cơn sốt tiền mã hóa tiếp tục bùng nổ, ông Ari nhắc tới ba giá trị cơ bản mà tiền pháp định (fiat currency) sở hữu. Đó là nguồn gốc của nơi phát hành tiền được xác định, ổn định về giá trị, và nguồn gốc sở hữu – ai đứng đằng sau một số tiền.
“Tất cả chúng ta đều biết tiền mã hóa đang lên xuống thất thường như nào. Một trong những yêu cầu chính của tiền pháp định là mọi người, mọi tầng lớp đều sử dụng, và tính mất ổn định của tiền mã hóa so với tiền pháp định cho thấy biến tiền mã hóa thành tiền chính thức sẽ là một ý tưởng không tốt.
Như vậy ba vấn đề lớn cơ bản của tiền mã hóa vẫn còn khiến tôi “rất khó để hiểu làm thế nào ta có thể biến tiền mã hóa thành tiền chính thức được”.
Trong khi tỏ ra cẩn trọng về sự phát triển của tiền mã hóa, ông Ari đánh giá cao một số khía cạnh của nó, như công nghệ sổ cái phân phối (distributed ledger) của blockchain, loại công nghệ thúc đẩy tiền mã hóa, tính minh bạch, và khả năng theo dõi mọi hoạt động giao dịch trong hệ thống.
Trong bối cảnh tiền mã hóa như Bitcoin đang trở nên thông dụng trên thế giới, một số chính phủ đang xem xét nghiêm túc về tiền mã hóa, và xây dựng các dự án thử nghiệm về tiền kỹ thuật số quốc gia, trong đó có Thái Lan. Các ngân hàng trung ương của các nền kinh tế lớn như Mỹ và Trung Quốc đang nghiên cứu các lợi ích, bất lợi và cơ chế tiềm năng của loại hình tiền tệ này. Tuy nhiên, mới có một vài quốc gia nhỏ đã phát hành tiền tệ kỹ thuật số, và định ra một số phương pháp thanh toán đồng tiền này nhưng vẫn còn hạn chế về quy mô. Việc làm này chủ yếu nhằm đối phó với sự nổi lên của các loại tiền mã hóa mới, vốn là những phương thức thanh toán nằm ngoài sự kiểm soát của chính phủ, như Bitcoin chẳng hạn.
Tuy nhiên, “tất cả mới chỉ là những bước đi ban đầu, và tôi nghĩ vẫn còn phải khám phá xem tiền kỹ thuật số quốc gia có nghĩa là gì, giải quyết các hạn chế của tiền mã hóa như thế nào,” ông Ari nói.
Là công ty công nghệ hiện đánh giá 2.000 giao dịch/giây trên thế giới theo thời gian thực, Mastercard cho biết họ cũng đang trong quá trình khám phá, và vừa được cấp bằng sáng chế cho công nghệ blockchain đa tiền tệ. Đây là công nghệ tách một blockchain để nhiều mô hình giao dịch có thể được lưu trữ trên một blockchain đơn lẻ, giúp thuận tiện hơn cho các thực thể muốn sử dụng nhiều loại tiền tệ khác nhau; thay vì họ phải triển khai và vận hành blockchain mới tùy theo mỗi loại tiền vốn đòi hỏi các nguồn lực và khả năng xử lý rất lớn.
“Chúng tôi rất quan tâm tới công nghệ blockchain, và blockchain có khả năng tạo ra những thứ mới bên ngoài tiền tệ, tìm kiếm cơ hội cho thanh toán B2B dễ dàng hơn, cung cấp khả năng truy xuất nguồn gốc, ví dụ như đường đi của các viên kim cương trên thế giới.”
Singapore Fintech Festival 2018 (SFF)SFF 2018, diễn ra từ 12 đến 16.11.2018, là nền tảng lớn nhất trên thế giới cho cộng đồng công nghệ tài chính toàn cầu. Với 30 ngàn người tham dự tại Singapore Expo, liên hoan có hơn 250 diễn giả, thảo luận về những cơ hội và sự phát triển mới nhất của ngành công nghệ tài chính, trong đó có Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và giám đốc điều hành Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde.
SFF tập trung vào 9 chủ đề chính gồm AI trong tài chính; cơ hội công nghệ tài chính tại ASEAN; an ninh mạng, rủi ro công nghệ (TechRisk) and công nghệ quy định (RegTech); Giải pháp tài chính cho tất cả thành phần (financial inclusion); tương lai của ngân hàng; tương lai của tiền tệ; hội nghị nhà đầu tư toàn cầu; công nghệ bảo hiểm (InsurTech) và hạ tầng thị trường. Cùng với đó là 450 gian hàng giới thiệu các giải pháp mới.
Theo Fobesvietnam
Đầu tư vào dự án blockchain, tiền mã hoá, chứng khoán...rất tiềm năng nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro cao, bạn chỉ nên đầu tư trong phạm vi tài chính cho phép của bạn. Chúng tôi khuyến nghị bạn hãy trang bị kiến thức, tìm hiểu thật kỹ và có tư vấn từ chuyên gia trong lãnh vực bạn có ý định đầu tư.
Để không bỏ lỡ thông tin mới trên Bitcoininus, vui lòng theo dõi kênh Telegram / FB hoặc đăng ký nhận e-mail.